Sầu riêng và những tín hiệu 'tăng' từ thị trường

Sầu riêng và những tín hiệu 'tăng' từ thị trường

Bởi 13 tháng 11, 2024 - 21:27 (GMT +07)

Sầu riêng và những tín hiệu 'tăng' từ thị trường

Sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi nhu cầu đối với loại quả này lớn, không chỉ thị trường Trung Quốc mà nhiều nơi khác.

thu-mua-sau-rieng-140921_202-140921-151237

Thương lái tiến hành thu mua sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán

Trong những năm gần đây, sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá luôn ở mức cao, người trồng có lãi lớn, quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh, nhất là tại các vùng tập trung Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là vùng Tây Nguyên với phương thức trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê.

Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2016 đến 2022, tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000ha lên hơn 112.200ha; năng suất bình quân sầu riêng có xu hướng tăng nhẹ trong khoảng 14,7 - 15,7 tấn/ha; đặc biệt sản lượng sầu riêng tăng cao, từ 366.000 tấn lên hơn 863.000 tấn (tăng 11,7%/năm).

Năm 2023, diện tích sầu riêng cả nước đạt khoảng 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng đạt khoảng gần 1,2 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.

Hiện cả nước có 34 tỉnh thành trồng sầu riêng. Trong đó, tập trung tại 4 vùng: Tây Nguyên (chiếm 47% diện tích cả nước), ĐBSCL (30%), Đông Nam bộ (19%), duyên hải Nam Trung bộ (4,2%).  4 tỉnh có diện tích trên 10.000ha và sản lượng trên 50.000tấn/năm gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai.

Hai giống chủ lực gồm Ri6 và Dona. Trong đó, giống Ri6 phổ biến tại các tỉnh vùng ĐBSCL, giống Dona sử dụng nhiều hơn tại vùng Tây Nguyên (chiếm 60 - 70% trong cơ cấu diện tích). 

Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi trồng sầu riêng. Thời vụ thu hoạch sầu riêng quanh năm, giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh hơn so với Thái Lan (thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8). Sầu riêng chính vụ tại vùng ĐBSCL thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8; vùng Tây Nguyên thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10; vùng Đông Nam bộ từ tháng 4 đến tháng 7 và vụ nghịch vụ tại ĐBSCL từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Theo số liệu Bộ Công thương, giá sầu riêng có sự biến động lớn theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thuận lợi. Đối với sầu riêng chính vụ từ tháng 4 - 9, giá cả có sự biến động không lớn. Tuy nhiên, vào các tháng nghịch vụ từ tháng 1 - 3 thì giá sầu riêng có sự biến động mạnh. 

sau-rieng-binh-phuoc-141159_246-141159-151237

Từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, giá sầu riêng tăng cao vì chỉ có sầu riêng các tỉnh ĐBSCL. Sầu riêng Ri6 từ 120.000 - 150.000 đồng/kg; sầu riêng Dona từ 140.000 - 190.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho rằng, thời gian qua, Bộ NN-PTNT, các cơ quan Trung ương, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành hàng sầu riêng. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân có trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Qua đó, giá sầu riêng trên thị trường năm qua tăng cao, giúp nông dân, doanh nghiệp tăng thu nhập, ổn định sản xuất. 

Tuy nhiên, ông Côn nhìn nhận, ngành hàng sầu riêng vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Đơn cử như, vùng sản xuất sầu riêng còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn, trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu và yếu cả về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu. Việc liên kết giữa đại diện vùng trồng, các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững.

"Nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, đóng gói thiếu sự duy trì chất lượng, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu...

"Tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng; tranh mua, tranh bán; tình trạng chốt giá sớm, nông dân sẵn sàng bẻ cọc hợp đồng... dẫn đến khó phát triển ngành hàng bền vững", ông Côn nêu.

Ngoài ra, hiện nay, chưa có Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn cụ thể về công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng; chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm… Công tác ứng dụng thông tin chưa được thông suốt quá trình từ sản xuất, đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ hoàn thiện Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ giai đoạn 2025 tầm nhìn 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai. Trong đó, ưu tiên phát triển thành vùng chuyên canh để thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phổ biến các thông tin về quy hoạch trồng sầu riêng thông qua các kênh truyền thông cho nông dân cập nhật.

sau-ieng-141007_58-141007-151238

Nhiều nông dân tại vùng ĐBSCL, Đồng Nai, Đắk Lắk trở thành tỷ phú nhờ trồng sầu riêng đạt chất lượng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sản lượng tăng ít nhất 20%

Dù mới tham gia vào thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhưng sầu riêng Việt Nam đã lập kỷ lục tăng trưởng đột phá, trở thành “vua trái cây” của Việt Nam, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật, Úc... chủ yếu là quả tươi và cấp đông.

Đặc biệt, lợi thế gần thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới - Trung Quốc giúp chi phí logistic giảm. Bên cạnh đó, tác động của khủng hoảng Biển Đỏ làm cho hàng hóa các nước đi vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn về thời gian, vận chuyển, chi phí. Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, với nhiều ưu đãi về thuế suất. Đây là lợi thế cạnh tranh cho sầu riêng nói riêng và rau quả Việt Nam nói chung khi xuất sang thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, năm 2023, Trung Quốc chi trên 6,7 tỷ USD (trên 1,4 tấn) để nhập sầu riêng. Trong đó, sầu riêng Thái Lan khoảng 928.000 tấn (trên 4,5 tỷ USD); Việt Nam gần 494.000 tấn (trên 2,1 tỷ USD); Philippines trên 3.700 tấn (13,2 triệu USD).

“Phía Trung Quốc đã cấp hơn 700 mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam (năm 2023 hơn 400 mã). Và hiện Bộ NN-PTNT cũng đang tiếp tục đàm phán với phía bạn về cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, cũng như việc cho phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông. Dự báo, năm nay sản lượng sầu riêng tăng hơn năm ngoái ít nhất khoảng 20%. Sầu riêng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, nhất là tại thị trường Trung Quốc và ASEAN”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp Hội Rau quả Việt Nam nhận định.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung, sầu riêng nói riêng. Năm 2024 và những năm tiếp, dự báo xuất khẩu sầu riêng tiếp tục có những thuận lợi. Thị trường truyền thống Trung Quốc tiếp tục có xu hướng tăng về nhu cầu nhập khẩu sầu riêng. Ngoài ra, nhiều thị trường khác đã và đang quan tâm nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, trong đó có Thái Lan..

Hiện Bộ NN-PTNT đang đàm phán với Ấn Độ để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch và đang đàm phán xuất sầu riêng cấp đông vào Trung Quốc, như vậy, dư địa xuất khẩu sầu riêng là rất lớn. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường thì chất lượng vẫn là yếu tố quyết định.

Đồng Nai là tỉnh đứng thứ 4 trong cả nước về diện tích trồng sầu riêng với gần 11.350ha. Cây sầu riêng đã giúp nhiều nông dân ở Đồng Nai thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2024, tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng của các mã số vùng trồng được cấp, áp dụng công nghệ canh tác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để chuỗi ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện theo đúng, đủ theo các quy chuẩn của thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cũng như thu hút đầu tư vào chế biến sâu, nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thông báo